ĐẠO ĐỨC NGHỀ LUẬT
Tin tức - Bài Viết
Tin tức - Bài Viết
ĐẠO ĐỨC NGHỀ LUẬT
ĐẠO ĐỨC NGHỀ LUẬT
Cũng như hầu hết pháp luật các nước trên thế giới, pháp luật Việt Nam cũng quy định phải có Luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo trong những vụ án hình sự nghiệm trọng. Nghĩa là trong trường hợp người bị truy tố không có chi phí để mời Luật sư bào chữa, thì Cơ quan điều tra,Toà án có nghĩa vụ gửi danh sách cho Đoàn luật sư, Đoàn luật sư thông báo về cho các tổ chức hành nghề luật sư để các tổ chức hành nghề chỉ định Luật sư bào chữa cho họ. Luật sư được chỉ định có nghĩa vụ tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo như một thân chủ có thù lao, không phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp gần đến ngày xét xử, Thư ký phiên toà mới điện thoại cho Luật sư quen nhờ bào chữa cho bị cáo. Vì nể nang và xem thường tính mạng bị cáo, nên nhiều Luật sư cũng đã nhận lời.
Thông thường những trong trường hợp này Luật sư chỉ cần biết ngày, giờ và địa điểm xét xử. Không cần nghiên cứu hồ sơ và cũng chẳng cần gặp gỡ bị cáo để trao đổi xem bị cáo cần Luật sư giúp đỡ về vấn đề gì, có oan sai hay không...
Đến giờ xử, Luật sư chỉ cần mượn Thư ký bản Cáo trạng và nếu là phiên toà phúc thẩm thì mượn thêm bản án sơ thẩm để tranh thủ đọc ngay khi toà đang xét xử. Vì không nghiên cứu hồ sơ, không gặp bị cáo trước khi xét xử, nên đến khi ra toà bào chữa việc Luật sư không nhớ tên bị cáo của mình bào chữa là chuyện bình thường, có khi lẫn tên bị cáo với tên người bị hại, hoặc không biết cả mặt bị cáo mình bào chữa là ai.
Thay vì bào chữa, Luật sư buộc tội thân chủ của mình.
Một cậu sinh viên luật năm cuối thực tập tại văn phòng tôi với nụ cười nửa đau xót, nửa khinh bỉ kể với tôi rằng: vì rất ham muốn trở thành Luật sư nên em hay đi dự phiên toà để học hỏi kinh nghiệm. Có lần, ở Toà án cấp cao tại TP.HCM xét xử các bị cáo về tội giết người, em thấy Chủ toạ phiên toà đã tuyên bố khai mạc phiên toà, lúc này mới thấy Luật sư vội vã chạy vào phòng xử trên tay cầm mớ tài liệu rồi cắm cúi ngồi đọc. Xem kỹ đó là hai bản án sơ thẩm. Vì là không nghiên cứu hồ sơ trước nên đến phần bào chữa của mình, vị Luật sư này đứng lên nói vỏn vẹn có một câu ngắn gọn: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm buộc tội của vị đại diện Viện kiểm sát đối với bị cáo”!
Tưởng là vụ thứ nhất không có thời gian, chưa xem kỹ hồ sơ nên vị Luật sư này bào chữa như thế để dành thời gian cho vụ sau, ai ngờ đến vụ thứ hai vị Luật sư này cũng bào chữa như vụ thứ nhấn: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm buộc tội của vị đại diện Viện kiểm sát đối với bị cáo”!
Sau khi tìm hiểu, em mới biết Luật sư này là Luật sư do Thư ký mời “chữa cháy”. Và Thư ký phiên toà mới photo cho hai bản án sơ thẩm ngay trước khi khai mạc phiên toà vài phút.
Thư ký toà lừa Luật sư
Cũng ở Toà án cấp cao tại TP.HCM, trong một phiên xử phúc thẩm vụ án giết người, tôi được chỉ định bào chữa cho một bị cáo, còn một bị cáo nữa do Luật sư Đ. bào chữa. Sau khi khai mạc phiên toà được một vài phút, vị Luật sư này mới lật đật chạy vào, tay cầm Bản Án sơ thẩm và Bản Cáo trạng vừa thở hổn hển vừa đọc. Đến phần bào chữa cho các bị cáo, vị Luật sư này nói với tôi “Anh phát biểu trước, tôi dựa theo ý anh rồi tôi nói theo chứ tôi không nắm rõ vụ án lắm. Khi nhờ tôi, thư ký nói các bị cáo nhận tội hết rồi, chỉ xin giảm nhẹ thôi, ngờ đâu vụ án lại phức tạp thế này”.
Luật sư chữa cháy, Toà xử cho xong.
Vào khoảng cuối năm 2004, tôi được chỉ định bào chữa cho bị cáo H.T.M tại phiên toà phúc thẩm trong vụ án giết người, cướp tài sản. Sau khi nghiên cứu hồ sơ tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề mà phiên toà sơ thẩm chưa làm rõ, chứng cứ buộc tội không rõ ràng... Nhưng lại chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày xét xử, nên tôi đã làm đơn xin hoãn phiên toà để tôi có thời gian nghiên cứu hồ sơ và làm rõ một số vấn đề.
Cứ chắc mẩm rằng đơn đề nghị hoãn phiên toà được chấp nhận, nào ngờ ngày hôm sau sau một tờ báo nọ đưa tin “H.T.M đã bị Toà phúc thẩm y án sơ thẩm với hình phạt cao nhất là tử hình”. Sau khi đọc được tin này, tôi đã gọi điện thoại cho Luật sư V. là người trực tiếp được Tòa án "mời" tham gia bào chữa cho bị cáo H.T.M tại phiên toà hôm đó tôi hỏi tại sao anh làm như vậy? Luật sư này trả lời “Hôm đó tôi bào chữa cho bị cáo trong một vụ án khác, nhưng cùng Hội đồng xét xử trong vụ án H.T.M nên Toà nhờ tôi bào chữa giùm cho bị cáo H.T.M luôn, để toà xử cho xong!”.
Đạo đức nghề luật!
Khi tham dự các phiên toà, chúng ta thường nghe các vị trong Hội đồng xét xử luôn lớn tiếng quát nạt các bị cáo “...Hành vi của bị cáo như vậy là xem thường tính mạng của người khác, xem thường pháp luật nên bị cáo phải chịu một mức hình phạt nghiêm khắc... Nhưng không biết có ai đó đang đóng vai người xét xử đã một lần tự chất vấn lương tâm mình để nhận ra rằng, chính mình cũng đã xem thường tính mạng người khác và xem thường pháp luật.
Và các Luật sư cũng vậy, đã có lần nào tự chất vấn lương tâm của mình là mình đã làm hết khả năng, trách nhiệm của mình chưa, hay chỉ làm qua loa để thân chủ của mình phải lãnh chịu hậu quả?!
Luật sư Hoàng Cao Sang